Tìm qua anh Gù: Phước hay Phúc ? chưa đọc xong chia sẻ liền 1 khi


[ Follow Ups ] [ Post Followup ] [ Culture ]

Posted by CCCV (136..98.176) on March 23, 2023 at 08:24:52:

Phước hay Phúc ?

Chữ “Phúc” 福 là từ Hán Việt, nguyên bổn ban đầu âm là phúc,người Miền Nam đọc là “Phước”

Trả lời đọc trại là kỵ húy thôi,rất đơn giản

Thời Tây Sơn, cha Nguyễn Huệ có tên là Hồ Phi Phúc,thành ra dân kiêng kêu phúc thành phú hết

Thời nhà Nguyễn,chữ phúc bị dân Nam đọc trại thành phước là từ năm 1883 khi hoàng tử Ưng Đăng lên ngôi vua có niên hiệu Kiến Phúc

Từ đó người Miền Nam kêu phúc thành phước ráo trọi,dòng Nguyễn có tên là Nguyễn Phúc đọc thành Nguyễn Phước.Tới hôm nay trên văn bản của dòng họ này ghi rõ ràng là Nguyễn Phúc (Phước) tộc

Chữ Phúc (Phước) 福 có bốn chữ tượng hình

Chữ thứ nhứt bên trái là bộ thị ( 示 ) .Bộ thị vốn là hình vẽ cái bàn thờ ám chỉ về thần ( 神 ) tức Ông Trời

Bên phải có 3 chữ là: Nhứt ( 一 ) là một; khẩu (口 ) là miệng hay người ,điền (田) là ruộng, ruộng vườn.

Nhứt khẩu điền là hình vẽ một bình rượu

Chữ Phúc là hình tượng hai bàn tay bưng hũ rượu đứng trước bàn thờ.Người xưa quan niệm Phước là điều tốt lành do cầu cúng mà có được

Chữ Phước ( 福 ) cũng giải nghĩa là: Một người có ruộng vườn và có Thần Thánh che chở ở bên cạnh

Phúc (Phước) là vui vẻ, ấm no, an lành,cũng là phúc đức, hạnh phúc, hồng phúc, diễm phúc mà người Nam Kỳ Lục Tỉnh đọc thành hạnh phước,phước đức,diễm phước,hồng phước

Có câu"福满堂" Phước Mãn Đường mang ý nghĩa đó là phước đức đầy nhà, gia đình hạnh phúc, sum vầy và luôn luôn được bình an, may mắn

滿堂 mãn đường là đầy nhà,chật nhà

Người Việt và người Việt gốc Hoa xưa hay dán câu này giữa nhà trong ngày Tết nhứt :Ngũ phúc lâm môn(五福临门)

Ngũ 五 năm, Phúc 福 là phước lộc,Lâm 临 là đến, tới và Môn 门 là cửa.Ngũ phúc lâm môn là năm loại phước vào nhà

Nó gồm:

-Trường thọ 长寿 :Là sống lâu không bị chết yếu, sống thọ, khỏe mạnh,tinh tường

- Phú quý 富贵 : Mong tiền tài dư giả, giàu có, sung túc, có địa vị tôn quý trong xã hội

-Khang ninh 康宁: Là sức khỏe dồi dào, không bịnh tật, có tâm an lành và an vui

-Hảo đức 好德 :Có nghĩa là phẩm hạnh, đạo đức tốt đẹp, nhân từ, lương thiện, khoan dung và độ lượng.Phúc là kết quả mà đức tạo ra, tạo đức rồi mới có phúc

-Thiện chung 善终 :Là người tỉnh trí trước cái chết của mình, nhẹ nhàng, thanh thản, không ốm đau về thể xác, không dằn vặt về nội tâm trước lúc đi xa

Biểu tượng của ngũ phước chính là con dơi,con vật nửa chim nửa chuột

Chữ phước-phúc 蝠 con dơi được viết khác, không phải bộ thị mà là bộ trùng,nhìn tự hình là một con dơi rõ ràng

Hán Việt đọc dơi là "bức".Trong "Ỷ thiên đồ long ký" ta thấy có nhân vật Vi Nhứt Tiếu ngoại hiệu là Thanh Dực Bức Vương, là người đứng thứ 4 trong Tứ đại pháp vương của Minh giáo

Ông này có khinh công đệ nhứt thiên hạ, Vi Nhứt Tiếu bị tẩu hỏa nhập ma khi luyện công, do đó phải hút máu người sống nếu không thì sẽ bị lạnh cóng toàn thân và chết .Thành ra giang hồ đặt biệt hiệu cho Vi Nhứt Tiếu gắn liền với "con dơi hút máu người",đó là Thanh Dực Bức Vương Vi Nhứt Tiếu ,cánh dơi bay giữa trời xanh

Tên đầy đủ của con dơi là Hán là biên bức 蝙蝠 ,người Hoa đọc là biên phúc 蝙蝠 vì đồng âm với chữ phúc.Thành ra người TQ cho rằng dơi sẽ đem lại trường thạnh và thành công

Mà cả hai chữ phúc đều được người Hoa Bắc Kinh đọc là phú nữa. Do đó, họ lấy hình ảnh con dơi tượng trưng cho điều tốt lành, may mắn

Bạn thấy hình vẻ năm con ngậm chữ Thọ chính là biểu tượng cho Ngũ Phúc

Nhà người Hoa ngày Tết thường gặp hình chữ Phước-Phúc 福 viết trên giấy đỏ treo lộn ngược trước cửa nhà

Phúc treo ngược là phú dào, phúc đảo, y hệt như phúc đáo, là phước đến

Phước hình tượng gần nhứt là ba ông Phước - Lộc - Thọ 福 祿 壽

Hình như chữ Phúc thành chữ Phước nó ép phê hơn với cái may mắn và trường thạnh,nhìn rõ,Phước dài hơn Phúc ,tràn trề,dài lâu và mãn nguyện

Ba ông Phước Lộc Tho trong lòng người Miền Nam chúng ta,bên Mỹ có cái thương xá nổi tiếng mang tên ba ổng

Người Lục Tỉnh viết Phước cũng là cái hên.Nó thể hiện trong địa danh Nam Kỳ Lục Tỉnh

Năm 1698 Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Đồng Nai lập thành huyện Phước Long, vùng Sài Gòn thành huyện Tân Bình ,ta coi là năm khai sanh ra Sài Gòn

Prei NoKor và Sài Gòn đã thành một đô thị an vui,no ấm,thạnh vượng của Nam Kỳ Lục Tỉnh,là đô thành của Lục Tỉnh

"Phủ Gia Định, phủ Gia Định, nhà đủ người no chốn chốn
Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn, ở ăn vui thú nơi nơi.
Lạc thổ nhóm bốn dân: sĩ nông công thương ngư tiều canh"

Từ năm 1837, triều Nguyễn lập dinh phủ Phước Tuy (gồm huyện Phước An, Long Thành, Long Khánh), phủ lỵ đặt tại thôn Phước Lễ (nay thuộc phường Phước Hiệp, TP. Bà Rịa)

Ta hiểu ban đầu có thể là Phúc,nhưng sau thành Phước hết trơn hết trọi

Miền Bắc Việt địa danh toàn chữ Phúc,thí dụ :Vĩnh Phúc,Phúc Thọ,Phúc Yên ,Phúc Hòa ,Phúc Khánh,Phúc Lộc,Phúc Thành,Phúc Thắng,Phúc Sơn,Phúc Ứng...

Lục Tỉnh toàn chữ Phước ,kể cả Miền Trung cũng toàn Phước

Ta có : Phước Long,Bình Phước,Ninh Phước,Phước Sơn,Tuy Phước,Tiên Phước,Tân Phước,Kiểng Phước,Phước Kiểng ,Phước Vân,Phước Khánh,Phước An ,Đa Phước,Phước Lễ,Phước Chỉ,Phước Sơn ,Phước Lương,Phước Thiện,Phước Lập ,Phước Hòa , Phước Bình

Một hiện tượng rất thú vị,ngay trong lòng xã hội Miền Nam chúng ta khi người Nam đặt tên con toàn chữ Phước

Một chuyện rất vui,đi nhà thờ ,đọc kinh kính mừng .ngồi giữa nhà thờ lắng tai nghe rõ ràng luôn

Người Bắc ,kể cả Bắc 54 đọc :" Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ..."

Người gốc Nam Kỳ đọc :" Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phước lạ...."

Chúng ta nhớ tới hình ảnh các soeur-người nữ tu Công Giáo tận tụy bên giường bịnh săn sóc người đau yếu được người Miền Nam trân trọng gọi là "Cô Phước:"Dì Phước","Bà Phước" ,và những trại trẻ mồ côi ,trường học được kêu là "Trường Bà Phước" ,"Con Bà Phước"

Hỏi: Con học ở đâu?

Trả lời: Con học trường bà phước

Qúa là thương.
Nguyễn Gia Việt


Follow Ups:

Delete your own posting with password 'delete':
Password:    

Post a Followup

Name:     E-Mail:
Subject:
Comments:

UNICODE (Chie^`u Tra('ng => Chiều Trắng)        VIQR (Chie^`u Tra('ng => Chie^`u Tra('ng)