Chương 8 Tháng Năm Và Lá Me Bay


[ Follow Ups ] [ Post Followup ] [ Nostalgia ]

Posted by Pham Chung (172..48.249) on November 19, 2022 at 19:01:33:

Tháng Năm
Và Lá Me Bay

1.
Chu ngồi ở bậc thềm trước cửa trường Quốc Gia Âm Nhạc với Tuấn, Hoàng, Minh Thùy, Hạnh và Lan Chi. Con đường Nguyễn Du thật vắng. Bầu trời tháng năm trong xanh. Có tiếng ve sầu từ những cây me cao vọng lại.
Chu nhìn đồng hồ rồi nói với mấy người bạn:
- Chút nữa khi mọi người đến, Hoàng, Minh Thùy và Lan Chi mời quan khách vào hội trường nhé. Anh Tuấn và Hạnh nhớ mời các Giáo Sư và các vị quan khách ngồi ở năm hàng ghế đầu. Sinh viên bọn mình thì ngồi ở những hàng ghế sau cũng được.
Chu vội đứng dậy khi thấy Minh Y và Gió bước vào đến cửa trường. Gió tha thướt với chiếc áo dài lụa mầu vàng nhạt. Mái tóc của Gió được buộc túm lại với một sợi dây vải vàng óng. Chu nhìn đôi mắt to và đen của Gió và đọc được một nỗi vui nhẹ trong đôi mắt. Gió đẹp như một bức tranh vẽ của Đinh Cường mà Chu đã có lần được nhìn thấy triển lãm ở đường Tự Do cùng với những họa sĩ trẻ khác.
Nhìn màu áo dài vàng của Gió, Chu nghĩ đến những câu thơ của Nguyên Sa "Áo Gió vàng anh về yêu hoa cúc..." Chào Minh Y xong, quay qua Gió. Chu định đọc câu thơ sửa đổi của Nguyên Sa cho Gió nghe nhưng rồi lại thôi. Thấy dáng điệu ngập ngừng của Chu, Tuấn cười nói với mọi người:
- Gớm! Anh chàng Chu này, đang "ba hoa chích chòe", thấy cô Gió đến là "im như ngậm hột thị".
Tuấn đang học bên quân y, sắp ra trường và được coi như "người-anh-cả" của nhóm bạn bè của Chu. Lúc nào Tuấn cũng hay ví von làm mọi người cười ồ.
Chu cười nhìn nghiêng qua Gió. Gió lúng túng quay đi.
- Trong nhóm bọn mình thì chỉ có Minh Y và Gió là lần đầu đến trường Nhạc.
Minh Y và Gió có muốn vào thăm trường không? Chu hỏi.
Minh Y cười hối Chu:
- Chu dắt Gió đi xem trường đi, để Minh Y nói chuyện với chị Hạnh một chút.
Gió theo Chu đi vào trường. Ở phía sau hội trường, Gió bỗng thấy như mình lạc bước vào một vườn âm thanh tuyệt vời. Có tiếng vĩ cầm lả lướt như gió. Tiếng đàn tranh lãng đãng đâu đó. Có tiếng sáo trúc ríu rít như chim hót. Tiếng đàn piano tí tách như mưa rơi. Gió như thấy lòng mình lâng lâng. Gió muốn được đi mãi trong khu vườn âm thanh này. Đi mãi… Và Chu thì ước gì ngôi trường to rộng gấp hai, gấp ba, để Chu sẽ được đi bên cạnh cô bé mãi. Sau khi đi thăm mọi chỗ, Chu đưa Gió trở về hội trường ngồi với Minh Y và bạn bè.
2.
Tuấn lên phía trước hội trường cầm micro và ngỏ lời:
- Kính thưa quý vị Giáo Sư, kính thưa quý vị quan khách, thân chào các bạn. Chúng tôi xin đại diện "Hội cựu sinh viên trường Quốc Gia Âm Nhạc" hôm nay được giới thiệu đến quý vị một "kẻ lãng từ hồi đầu". Một người trở về với trường Nhạc của chúng ta. Trở về từ những buổi "du ca" ở các sân trường đại học. Trở về với những bản nhạc cổ điển mà quý vị Giáo sư đã từng chỉ dậy. Chúng tôi cũng đã cố hỏi tại sao phải tổ chức vào tháng Năm mà không phải vào tháng Tư hoặc tháng Sáu thì chàng lãng tử cho biết là tháng Năm là tháng sinh nhật của một người bạn. Xin quý vị một tràng pháo tay cho ngày sinh nhật của Gió.
Tuấn ngừng nói và hướng tay về chỗ Gió ngồi. Tiếng vỗ tay vang lên và một số đông khán giả quay lại nhìn Gió làm Gió lúng túng, đỏ mặt.
- … và xin giới thiệu với quý vị chàng lãng tử Cao Trọng Chu với cây đàn Tây ban Cầm. Xin cám ơn quý vị.
3.
Đèn trong hội trường mờ dần, chỉ còn một vòng sáng chỗ Chu đứng. Ánh đèn làm nổi chiếc áo veston đen đậm khoác ngoài áo sơ mi trắng và cái nơ màu xanh đậm ở cổ áo. Chu cúi chào mọi người và ngồi xuống.
- Xin cám ơn quý vị đã tới dự buổi nhạc Tây Ban Cầm cổ điển hôm nay. Tôi xin được mở đầu buổi nhạc với một đoạn trích trong trường khúc "In Modo Polonico" của Alexandre Tansman.
Năm ngón tay Chu như nhẩy múa trên dây đàn. Âm thanh dồn dập như trong một nhạc cảnh nhẩy múa của xứ Phần Lan. Tiếng đàn của Chu như làn sóng phủ lấp cả hội trường.
Tiếng vỗ tay của khán giả vang lên từng chập. Chu đàn tiếp những Sonatas của Domenico Scarlatti do Segovia soạn hòa âm. Sau giờ nghỉ 15 phút, Chu tiếp tục đàn những nhạc bản của các nhạc sĩ Việt Nam như bản "Lời Buồn Thánh" của Trịnh Công Sơn , "Nguyệt Cầm" của Cung Tiến vv...
Chu ngừng đàn và nói:
- Để kết thúc chương trình nhạc, tôi xin đàn bản "Thiên Thai" của Văn Cao do chính tôi soạn hòa âm. Tôi xin dùng bản đàn này riêng tặng Gió để làm quà sinh nhật.
Những ngón tay Chu lướt nhẹ trên dây đàn. Âm thanh dìu dặt, khoan thai như chiếc thuyền xuôi theo dòng nước Ngọc Tuyền chở người Lưu Nguyễn ghé bến Thiên Thai. Chu cúi đầu chăm chú nâng niu tiếng đàn. Tóc Chu phủ lõa xõa trên trán. Tiếng đàn chuyển nhịp vui, dồn dập làm người nghe như đang ngắm những tiên nữ múa Khúc Nghê Thường vui chơi cùng Lưu Nguyễn. Ở đoạïn Lưu Nguyễn nhớ nhà từ giã tiên giới trở về làng xưa nhưng người thân giờ đã khuất, tiếng đàn dìu dặt trầm buồn như những bước chân Lưu Nguyễn đi tìm lại đường về Thiên Thai nhưng giờ đã lạc dấu về.
Ngồi dựa đầu lên vai Minh Y, Gió chăm chú nhìn Chu. Chu không giống Chu hàng ngày mà Gió đã từng quen biết. Không giống Chu những lần Chu vẫn ôm đàn ngồi hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn cho Gió nghe. Hôm nay Chu nhìn thật là "nghệ sĩ". Chu như hoà mình vào trong tiếng đàn ngọt ngào, trầm ấm. Món quà sinh nhật thật đặc biệt mà Chu đã riêng tặng Gió hôm nay, nàng sẽ trân quý nó suốt đời. Hình như Chu đang nhìn về hướng nàng ngồi thì phải? Ngước mắt lên nhìn, Gió bắt gặp đôi mắt Chu đang nhìn nàng… thật nồng nàn và thật say đắm.
Và trong một giây khắc nào đó, tim Gió bỗng xôn xao.
4.
Tiếng đàn của Chu đã ngừng hơn một phút, lúc đó mọi người mới vỗ tay như vừa ra khỏi giấc mơ về chốn bồng lai tiên cảnh với Lưu Nguyễn. Tiếng vỗ tay vang cả hội trường. Chu đi vào phía trong. Tiếng vỗ tay kéo dài. Chu đi ra cúi đầu chào và ngồi xuống. Năm ngón tay Chu lả lướt trên đàn. Âm nhạc tươi vui. Chu đàn bản "Hòn Vọng Phu" theo điệu "Flamenco" dồn dập. Người thưởng ngoạn như nghe ra được tiếng vó ngựa rộn ràng ngoài quan ải, nhịp bước chân của đoàn quân đi nhưng cũng có những tiếng thở dài não nùng, những giọt lệ cô đơn rơi của người chinh phụ ảo não chờ chồng. Mọi người vỗ tay khi Chu ngừng đàn. Tiếng vỗ tay tưởng như không bao giờ dứt.
Chu đứng ngay ở cửa hội trường cám ơn từng người. Gió và Minh Y đợi Chu cho đến khi mọi người ra về hết. Chu lại gần bên Minh Y và Gió.
- Cô bé có thích món quà sinh nhật hôm nay không?
- Gió cám ơn anh. Khi anh ngồi đàn trong hội trường lúc nẫy. Anh như khác hẳn với Chu mà Gió đã từng quen biết.
Chu xoè cả hai tay chỉ vào người mình như muốn ám chỉ là có gì khác đâu. Và Gió xoay người nhìn chỗ khác để tránh ánh mắt nồng nàn của Chu.
- Minh Y nghe Chu đàn hôm nay có được không? Chu hỏi.
- Minh Y thấy rất là thích những bài sonatas anh trình bầy. Thật dịu nhẹ và thật là tuyệt.
5.
Một cơn gió mạnh tạt ngang. Những lá me bay bay trong gió. Gió xoay mình nghịch ngợm đưa tay chụp bắt những cánh lá me bay. Tà áo dài lụa bay bay như những cánh bướm vàng. Gió đã mở sợi dây buộc tóc từ lúc nào. Mái tóc xõa che nửa khuôn mặt của Gió. Chu ngơ ngẩn nhìn theo Gió. Lúc ấy Chu như quên hết. Chỉ còn thấy những ngón tay Gió chụp bắt lá me. Chỉ còn thấy mái tóc đen dài xõa phủ bờ vai gầy của Gió. Và cùng lúc Gió bỗng chợt khựng lại và trong khoảnh khắc vài giây ngắn ngủi mà tưởng dài đến thiên thu, Gió cũng chỉ còn thấy đôi mắt Chu đang đắm đuối nhìn mình.
**************************************
**************
6.
" Huế ngày 15 tháng 7 năm 196…
Cô Bé,
Chu không ngờ ngày đoàn tụ của mọi người tại trường Nhạc hôm đó, lại là bắt đầu của một chia ly. Minh Thùy đã đi du học và hiện ở Sydney (Uc). Hoàng về Đại Học Cần Thơ. Quân và Thắng đã vào trường Sĩ Quan Thủ Đức. Và Chu thì đang ở Đại Học Huế cho đến hết tháng 10.
Hôm qua, Chu lang thang ở bờ sông Hương, phía bên trường học. Nhìn các cô đi học về, tự nhiên Chu nhớ Saigon. Nhớ cổng trường Trưng Vương. Nhớ những lá me bay bay hôm đó ở trường Nhạc. Và nhớ nhất là Cô Bé. A! chắc Cô Bé lại bảo "A, ha, anh Chu lại "phát ngôn sai" rồi. Không được, không được".
Mùa này, hoa Phượng vẫn nở rực rỡ. Chu đang ngồi bên bờ sông Hương. Có một làn gió mạnh thổi qua làm những cánh phượng rơi ào xuống như một trận "mưa mầu hồng" đó cô bé. Chu có nghe kể lại là Trịnh Công Sơn cũng đã viết bản nhạc "Mưa hồng" khi nhìn những cánh phượng bay theo gió cũng ở bờ sông Hương này. TCS viết bản nhạc đó khi nhớ đến người thiếu nữ tên Ph. Th. mà TCS đã thầm yêu. Cô Bé phải có mặt ở đây, vào lúc này thì mới cảm nhận được trọn vẹn cái đẹp và nên thơ của cơn mưa hồng của hoa Phượng bay. Ước gì cô Bé đang ở đây. Với Chu. Để Chu sẽ được một lần nữa nhìn thấy cảnh cô bé tung tăng sẽ chạy theo rượt bắt những cánh phượng đang rơi. Thật là tuyệt vời đó Cô Bé ...
Cô Bé có thích cái tape Chu thâu cho Cô Bé không? Mỗi đêm, trước khi Cô Bé đi ngủ, Cô Bé nhớ nghe để có người thì thầm ru Cô Bé ngủ, đưa Cô Bé vào mộng nhé.
Nhớ Cô Bé thật nhiều,
Chu
**********************************
******************
"Huế... ngày 1 tháng 8 năm 196...
Cô Bé,
Công việc của Chu ở viện Đại Học Huế cũng gần xong. Phòng thực tập Hóa Học có được nhiều dụng cụ mới do một công ty bào chế thuốc của Thụy Sĩ tài trợ. Như thế có thể Chu được về Saigon sớm hơn dự định.
Tối qua, Chu có đến chùa Từ Đàm dự đêm không ngủ "Đêm Hát Cho Quê Hương" do sinh viên, học sinh Phật Giáo Huế tổ chức. Có TCS từ Saigon ra tham dự. Những bản nhạc từ tập "Da Vàng" của TCS được mọi người thay phiên nhau hát suốt đêm. Ngồi nghe hát để rồi lại nghĩ về thân phận làm người và quê hương Việt Nam khốn khổ. Nếu có dịp bay từ Saigon ra Trung chẳng hạn, từ trên nhìn xuống, Cô Bé sẽ nhìn thấy có những cánh đồng lúa đầy những hố bom. Những khu làng bị cháy. Những đau thương. Những tàn phá do chiến tranh. Do bom đạn. Ngồi ở một góc tối, nghe những lời hát mà thấy như những vết dao đâm thấu tim. Để buồn cho tuổi trẻ Việt Nam hôm nay. Và cho quê hương Việt Nam của mình.
Cô Bé,
Nhưng mình phải có niềm hy vọng, phải không Cô Bé? Một mai này khi đạn bom ngừng nổ, những người như Minh Thùy, như Hoàng, như chúng mình đây sẽ có dịp đóng góp những bàn tay để xây dựng lại những đổ vỡ. Anh Tuấn cũng nói sau hoà bình Tuấn sẽ cùng với một nhóm bạn bác sĩ trong quân đội lập thành nhiều nhóm nhỏ. Họ dự định sẽ đi khắp những vùng nông thôn toàn quốc để chăm sóc sức khỏe cho những người dân nghèo sống xa thành phố, xa những bệnh viện, thiếu phương tiện và hoàn cảnh để được chữa bệnh.
Lúc đó, Chu hy vọng Cô Bé cũng sẽ cùng Chu và mọi người góp tay, góp sức phải không cô Bé?
Chu đã được công ty Thụy Sĩ ấy chấp thuận tài trợ học bổng nếu Chu đậu chứng chỉ cuối vào đầu mùa Hạ sang năm. Hoàng thì đang học thêm Anh Văn và sẽ đi Mỹ với một số nhân viên Đại Học Cần Thơ vào đầu Thu năm tới.
Và như thế, bạn bè sẽ mỗi người mỗi nơi. Có thể đến bốn, năm năm xa cách. Và có thể lâu hơn nữa. Không biết rồi bao lâu nữa tất cả mọi người mới có dịp gặp lại nhau đây?
Và như thế, ngày họp mặt ở trường Nhạc hôm đó đã đánh dấu một lần gặp trước cuộc chia lìa của chúng ta.
Và như thế, tháng Năm và những lá me bay hôm đó sẽ mãi là một kỷ niệm đối với Chu. Kỷ niệm của những ngày mơ mộng đã đi qua. Để bước qua một cánh cửa vào đời. Như những cánh bướm phải vượt qua giai đoạn ổ kén để rồi sau đó từng cánh bướm một lại tung cánh bay đi khắp mọi phương trời.
Nói thế chứ Cô Bé thì vẫn còn là cô bé của tuổi ô mai, của tuổi mộng mơ. Chu mong rằng Cô Bé sẽ giữ mãi món quà sinh nhật tháng Năm và những lá me bay ấy trong những giấc mơ thật đẹp nhé. Rồi một ngày nào đó Cô Bé sẽ lớn và cô Bé sẽ hiểu những gì Chu đang tâm sự với Cô Bé hôm nay.
Mong rằng sẽ gặp lại Cô Bé ở Saigon sớm hơn dự định.
Nhớ Cô Bé,
Chu
************************************
***********
7.
Sau bữa cơm chiều, Gió phụ chị Y dọn dẹp bàn ăn xong là "lỉnh" ngay lên lầu. Mẹ nhìn theo Gió, chép miệng, rồi nói với Minh Y:
- Con bé như "người lớn" hẳn ra, nhưng sao mẹ thấy con bé vẫn còn ngơ ngơ ngác ngác làm sao ấy. Con nhớ để ý săn sóc em giúp mẹ nhé.
- Dạ, vâng ạ.
- A, đã lâu rồi Mẹ không thấy cái anh chàng đánh đàn ấy đến thăm con bé nữa. Có anh ấy ở đây cứ mẹ mẹ con con cả ngày, cũng vui đáo để. Anh ấy học hành ra sao rồi mà mẹ chỉ nghe nói là cầm đàn đi hát cả ngày?
- Anh Chu có việc phải ra viện Đại Học Huế 3 hay 4 tháng gì đó. Anh ấy đang học chứng chỉ cuối ở Đại Học Khoa Học và là một trong những sinh viên học giỏi nhất bên Khoa Học đó Mẹ ạ. Năm nào cũng đậu đầu lớp.
- Thế hai anh em họ mồ côi mồ cút như thế thì làm sao mà sống?
- À, thì ra mẹ đang muốn điều tra lý lịch của anh Chu phải không mẹ? Theo con biết, anh ấy có phụ giảng thực tập ở trường Khoa Học và còn đi dậy thêm vài lớp ở trường tư Văn Học. Con nghe nói cũng đủ cho 2 anh em anh ấy sống.
Mãi không thấy mẹ hỏi gì thêm, Minh Y xin phép mẹ lên gác.
8.
Lúc Minh Y vào phòng thì thấy con bé đang ngồi dựa bên ghế. Mái tóc rủ xuống như một thác nước. Tóc của con bé dạo này như dầy hơn, mượt hơn. Mắt con bé dạo này như đen hơn, sâu hơn... Gió như "người lớn hẳn" như lời mẹ nói ư?
Con bé như đang đắm chìm ở một thế giới nào khác. Hồi này con bé ít nói hẳn. Hay là "con bé đang yêu ai" Minh Y thoáng nghĩ trong đầu.
Minh Y bước nhẹ đến gần con bé để khỏi làm con bé giật mình. Đưa tay vuốt nhẹ tóc em Minh Y hỏi:
- Chưa ngủ sao, cô bé. Đang nghĩ gì đó?
Con bé ngẩng nhìn chị. Đôi mắt mơ màng như ẩn sau một màn sương.
- Chị ơi! Làm sao mà biết được mình đang yêu hở chị?
Minh Y đã nghĩ là sẽ có ngày con bé sẽ hỏi mình câu hỏi đó và lựa lời nói với con bé.
- Chị cũng không chắc nữa cô bé ạ. Chính chị cũng đang tìm câu trả lời cho chị đây. Khó giải thích lắm nghe con bé. Chắc là khi mình cứ hay nghĩ đến một ai đó. Thích nhớ đến những chuyện khi ở bên ai đó. Rồi lại tự hỏi là không biết "người ấy" có đang nhớ đến mình không? Thế cô bé đang nhớ tới ai nào?
- Em cũng không biết nữa. Có lúc em nghĩ đến Gã. Có lúc em nhớ đến Chu. Đến anh Vy. Đến Tú. Đến anh Thuyên, anh Tảo...
- À há, Minh Y cười khúc khích, như thế là cô bé chưa yêu ai rồi. Chắc cô bé chỉ nhớ họ như là nhớ đến bạn thân thôi. Còn nếu đã yêu ai thì mình chỉ nhớ đến có mình người đó thôi.
- Thì cứ nghĩ là em chưa yêu ai chị nhỉ. Em đi ngủ đây.
Minh Y nhìn nụ cười thật dễ yêu của Gió rồi mỉm cười. Đúng là con bé vẫn còn quá ngây thơ để nghĩ đến tình yêu.
9.
Gió quỳ xuống cuối giường, làm dấu thánh giá và đọc một câu kinh tối. Xong xuôi Gió chui vào chăn sửa soạn đi ngủ. Minh Y cúi xuống hôn nhẹ lên trán con be.ù Trước khi bước ra ngoài, nàng đưa tay tắt đèn và cũng không quên nói với Gió:
- Ngủ ngon nhé con bé.
Gió với tay bật máy cassette ở đầu giường. Từ máy cassette tiếng đàn guitar ấm cúng và giọng hát của Chu êm đền rót vào tai Gió:
"Có phải mùa Hạ mới qua.
Em vẫn hát
trên đường phố Saigon
chiều về qua Nguyễn Du, 
mưa lá me bay bay
giọt nắng chiều hấp hối
em nhớ ai để nắng lụa vàng phai?" 
(thơ Phạm Chung, NS Phạm Anh Dũng phổ nhạc)

Gió đang nhớ đến ai ư? Gió đang nhớ ai để "mưa bụi bay"? Gió đang nhớ ai "để môi hồng phai"? Gió cũng không biết nữa. Nhân vật "ai đó" dường như mới thoáng ẩn hiện trong tim Gió, tim của một cô bé ở tuổi mười bẩy. Tình yêu lãng đãng như sương khói, mềm như một mùi hương. Tình yêu thấp thoáng, nhẹ hẫng, nhẹ như những... "lá me bay".
Và Gió thiếp dần vào giấc mộng trong đó có những lá me bay bay và có đôi mắt ai đang ngẩn ngơ nhìn Gió...

Phạm Chung





Follow Ups:

Delete your own posting with password 'delete':
Password:    

Post a Followup

Name:     E-Mail:
Subject:
Comments:

UNICODE (Chie^`u Tra('ng => Chiều Trắng)        VIQR (Chie^`u Tra('ng => Chie^`u Tra('ng)